Trang Chủ Kiến thức IMP sẵn sàng vững bước phần I

IMP sẵn sàng vững bước phần I

bởi dang thuy
0 bình luận

IMP là công ty sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm tân dược, dụng cụ ý tế, nguyên phụ liệu ngành…Hiện tại, Công ty được cấp phép sản xuất gần 200 sản phẩm trong đó trên 30 sản phẩm nhượng quyền của các tập đòan lớn như: Sandoz, Union Pharma, Dp Pharma, Innotech (Pháp),…Với doanh thu hàng năm khoảng 350 tỷ đồng, Công ty chiếm khoảng 3% thị phần dược Việt Nam, nằm trong top 5 Công ty có doanh thu sản xuất dược lớn nhất Việt Nam.

Phần 1 : Hiểu về doanh nghiệp IMP

I. Tổng quan về doanh nghiệp IMP

Tiền thân của công ty dược Imexpharm là XN Liên hiệp dược Đồng Tháp, trực thuộc sở y tế Đồng Tháp. Tháng 11/1992 XN liên hiệp dược Đồng Tháp được đổi tên thành Công ty dược phẩm Đồng Tháp, Trực thuộc UBND Đồng Tháp.Tháng 11/1999 Công ty dược phẩm Đồng Tháp đổi tên thành Công ty dược phẩm TW 7 trực thuộc Tổng công ty dược VN. Tháng 07/2001, Công ty dược phẩm TW 7 chuyển thành công ty dược phẩm Imexpharm với vốn điều lệ 22 tỷ đồng. Tháng 12/2006, Imexpharm được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận cho niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), mã chứng khoán IMP. Hiện nay mã cổ phiếu đang được giao dịch với thanh khoản trung bình 10 phiên là 2,430 cổ phiếu.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP)

1. Ngành nghề kinh doanh của IMP

IMP sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Sản phẩm chủ lực của IMP là các loại thuốc đặc trị như thuốc kháng sinh, thuốc tiêu hóa, thuốc gan mật, thuốc hô hấp và thuốc tim mạch.

Chuỗi giá trị sản phẩm IMP

ĐẦU VÀO:  Nguyên vật liệu đầu vào hơn 90% phải nhập khẩu, chi phí đầu vào đang tăng do Trung Quốc kiểm soát vấn đề về môi trường. Theo ICH Q7A3, API (Active Pharmaceutical Ingredient) là bất kỳ chất hoặc hỗn hợp các chất được sử dụng trong sản xuất một sản phẩm thuốc và khi được sử dụng trong sản xuất thuốc sẽ trở thành một thành phần hoạt động trong sản phẩm thuốc. Các chất này có tác dụng dược lý hoặc có tác dụng trực tiếp trong chẩn đoán, chữa bệnh, điều trị, phòng ngừa bệnh hay điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người.

Với mục tiêu duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao cho sản phẩm của công ty, IMP sử dụng dược liệu đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Châu Âu – CEP (Certification of European Pharmacopoeia). Nguyên liệu này đã được kiểm nghiệm về dung môi tồn dư theo tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo mức độ tinh khiết của dược chất ở mức cao, vì vậy bảo vệ sức khỏe tốt cho người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng đến môi trường và dễ dàng xin giấy cấp phép cho các sản phẩm của mình để xuất khẩu sang Châu Âu.

IMP nhập được nguyên liệu từ các nhà sản xuất nổi tiếng trên thế giới: DSM (Tây Ban Nha), Sandoz (Áo), Danisco (Mỹ), Sanofi Chimie (Pháp)… Trong đó các nguyên liệu hoạt chất kháng sinh được sản xuất bằng công nghệ lên men (enzymatic) được nhập từ Châu Âu, một số nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc nhưng sau đó được các công ty Châu Âu tinh chế và kiểm nghiệm lại để đảm bảo chất lượng dược liệu. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, nhóm nguyên liệu này có giá cao hơn 40% so với nguyên liệu Trung Quốc, do phải được kiểm nghiệm khắt khe hơn và tinh chế lại.

API là yếu tố chính trong nguyên vật liệu mà IMP sử dụng, ước tính chiếm khoảng 60-70% giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, nguyên vật liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nên hoạt động kinh doanh chịu sự rủi ro đến từ biến động tỷ giá và biến động giá API.

SẢN XUẤT: IMP sở hữu 3 nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế EU-GMP Hiện tại ở Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp nội địa sở hữu tiêu chuẩn nhà máy EU-GMP (chỉ có 7 doanh nghiệp như: IMP, PME, Stada,…). Nhờ dây chuyền công nghệ hiện đại, IMP đã tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường bằng các loại thuốc đáp ứng tiêu chuẩn cao.

–  Nhà máy CNC tại khu công nghiệp Bình Dương (IMP 4) giảm tình trạng quá tải tại nhà máy Non – betalactam (IMP 1) và tập trung sản xuất một số các dòng sản phẩm đặc trị. Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công xây dựng hoàn thành khoảng 100%, nhà máy IMP4 đã hoàn tất xét duyệt và nhận được giấy Chứng nhận EU – GMP do Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary cấp vào ngày 18/07/2022. Từ đây sẽ mở ra cơ hội cho Imexpharm thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc nhóm 1, tăng khả năng cạnh tranh với thuốc ngoại nhờ có giá thành tốt hơn và dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục chứng nhận EU-GMP vào cuối năm 2022. Kỳ vọng, IMP4 sẽ đóng góp trung bình 13% tổng doanh thu trong giai đoạn 2022 – 2025.

– Nhà máy kháng sinh CNC Vĩnh Lộc (IMP 2) cung ứng kháng sinh Penicillin thế hệ mới cho kênh ETC và thị trường xuất khẩu. Nhà máy đã hoàn thành thủ tục chứng nhận EU-GMP và đã đi vào hoạt động từ quý 2/2019. Ước tính IMP2 sẽ đóng góp khoảng 8% – 10% tổng doanh thu.

– Nhà máy Cephalosporin (IMP 3) sản xuất các loại thuốc uống, thuốc tiêm bột thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ mới. IMP xét duyệt thêm 2 dây chuyền thuốc gói và viên nén bao phim, nâng lên thành 5 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP.

Đầu ra: Hiện nay, IMP đã sở hữu hệ thống phân phối phủ khắp 3 miền với 20 chi nhánh tại các tỉnh trong cả nước. IMP là một trong số các nhà sản xuất dược phẩm trong nước tự xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình đến các nhà thuốc bán lẻ và hệ thống điều trị (trong đó, DHG và TRA là hai doanh nghiệp tiêu biểu cho mạng lưới phân phối lớn nhất, doanh nghiệp khác có quy mô nhỏ hơn như IMP, DMC, PME…). Trên kênh OTC, IMP sẽ trực tiếp phân phối thuốc đến các hệ thống các nhà thuốc, đại lý, tránh tình trạng mua bán lòng vòng và kiểm soát được giá bán thuốc đến tay người tiêu dùng.

Hiện tại, IMP chưa có dự định sẽ mở rộng thêm hệ thống phân phối, chỉ củng cố chiều sâu như quản lí hệ thống phân phối bằng hệ thống DMS, xây dụng công cụ BSC (thẻ điểm cân bằng, chỉ tiêu doanh số cho trình dược viên),… nhằm chuẩn hóa quy trình quản lý và nâng cao hiệu suất bán hàng.

ĐỌC THÊM: 5 sai nhầm tai hại khi Tích sản cổ phiếu

2. Cơ cấu cổ đông & ban lãnh đạo IMP

Cơ cấu cổ đông của IMP khá cô đặc, phần lớn cổ phần của IMP được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức, chỉ có 7% cổ phần được nắm giữ bởi các cổ đông cá nhân. Việc cơ cấu cổ đông cô đặc có thể tác động đến việc tích sản gặp khó khăn hơn bởi yếu tố thanh khoản.

Trong tháng 07/2022, cổ đông chiến lược SK Investmeent Vina III đã thực hiện giao dịch mua Red Capital (công ty mẹ của KBA – doanh nghiệp đang sở hữu cổ phần tại IMP), dẫn đến tỷ lệ sở hữu gián tiếp tại IMP tăng lên thêm 4,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,37%), cùng với số cổ phiếu nắm giữ trực tiếp trước đó là 46,57%, góp phần củng cố vị trí Cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần cao nhất tại IMP lên gần 54%. Điều này gây nên rủi ro cho chiến lược kinh doanh doanh nghiệp cũng như công ty hoàn toàn có thể bị thâu tóm khi tỷ lệ phủ quyết nội bộ thấp.

Công ty cổ phần giải pháp phân phối và bán lẻ Phano từng là cổ đông chiến lược nắm giữ gần 10% cổ phần của IMP từ đầu năm 2015, với mục tiêu củng cố thêm hệ thống phân phối cho IMP trên kênh OTC. Tuy nhiên, do bất đồng chiến lược khiến công ty Phano giảm tỷ lệ sở hữu xuống khoảng 3% cổ phần. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của IMP trên kênh OTC. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức ảnh hưởng đến IMP là không nhiều do mức đóng góp doanh thu từ Phano là không nhiều (4% tổng doanh thu).

=>>> Tỷ trọng ban lãnh đạo không nhiều, quyền lợi phần lớn vào các quỹ và tổ chức có thể ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng của công ty trong tương lai.

II. Thực trạng ngành hiện nay ra sao ?

1. Dư địa tăng trưởng dồi dào trong bối cảnh chi tiêu cho thuốc bình quân trên đầu người thấp, xu hướng gia tăng thu nhập, già hoá dân số

Theo IQVIA (Một trong những tổ chức nghiên cứu y dược lớn nhất thế giới) , Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi – nhóm các quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc thấp nhưng tiềm năng tăng trưởng cao. Dự báo tăng trưởng ngành dược phẩm Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2028 với CAGR là 14%. Động lực tăng trưởng đến từ:

– Dân số đang bước vào giai đoạn “già hoá”. Tỷ lệ dân số vàng của Việt Nam hiện đang nằm ở mức đỉnh và đang bắt đầu bước vào thời kỳ già hoá dân số với tốc độ nhanh. Theo Tổng Cục dân số, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí với chính sách hiện tại, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số vào năm 2049. Việc tỷ lệ già hoá tăng cao kéo theo nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ cũng gia tăng.

– Theo IQVIA, Mức chi tiêu tiền thuốc bình quân tại Việt Nam hiện chỉ vào khoảng 75 USD/ người, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới (Trung bình thế giới gần 150 USD/ người). Với dân số lớn và nền kinh tế còn nhiều tiềm năng tăng trưởng thì thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.

– Tốc độ tăng trưởng thu nhập cao. Theo S&P đánh giá, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng vài năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn rõ rệt so với mức trung bình các quốc gia với mức thu nhập tương đồng. Qua đó, nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm về sức khoẻ cũng vì đó mà tăng theo

2. Thị trường phân mảnh, có tính cạnh tranh cao và phụ thuộc lớn vào thuốc nhập khẩu – đặc biệt tại kênh bệnh viện

Theo báo cáo năm 2021 của IQVIA, 5 công ty hàng đầu tại Việt Nam chiếm tổng cộng chỉ 8.6%, trong đó công ty dẫn đầu chỉ chiếm khoảng 3.2% thị phần.

Thuốc nhập khẩu chiếm gần 2/3 doanh số toàn ngành, Theo IQVIA, ngành dược phẩm Việt Nam ghi nhận giá trị dược phẩm Việt Nam đạt 148,097 tỷ đồng (+3% so với năm 2020) trong đó thuốc nhập khẩu chiếm 65% tổng giá trị ngành. Nguyên nhân cho việc tỷ trọng thuốc nhập khẩu lớn đến từ (1) do tâm lý ưu tiên về chất lượng ngoại của người Việt Nam; (2) Khả năng nghiên cứu & phát triển thuốc biệt dược có giá trị cao tại Việt Nam còn hạn chế; (3) công nghệ chưa được phát triển mạnh và (4) lợi thế về giá thành thấp của thuốc nhập khẩu từ các nước đang phát triển như Ấn Độ và Pakistan.

Do hạn chế về năng lực và ngân sách đầu tư vào R&D, các công ty dược phầm trong nước chủ yếu sản xuất thuốc generic và các thức phẩm chức năng thông thường (rào cản sản phẩm thấp). Thêm vào đó, năng lực sản xuất các doanh nghiệp dược hiện nay khá đồng đều sẽ kéo theo sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty dược phẩm trong nước là không tránh khỏi.

Hầu hết các công ty dược Việt Nam đều có kênh nhà thuốc là kênh phân phối chính vì tiêu chuẩn sản xuất thấp khiến các công ty này không thể tham gia vào phân khúc thuốc chất lượng cao tại kênh bệnh viện (Nhóm 1 và nhóm 2) trong khi cạnh tranh về giá ở các nhóm thấp hơn (Nhóm 3-5) rất khốc liệt.

XEM THÊM: Tích sản cổ phiếu HND – Tại sao không?

3. Xu hướng “tiết cung” hoạt chất dược phẩm (API) trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến biên LN gộp ngành.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam nhập khẩu khoảng 80% – 90% nguyên liệu dược phẩm. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nguồn cung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất, trong đó Trung Quốc là nhà cung cấp dẫn đầu về sản xuất hoạt chất dược phẩm API ( yếu tố chính trong nguyên vật liệu mà IMP sử dụng) với hơn 50% thị phần.

Nhìn chung, giá API có thể sẽ tăng cao trong tương lai bởi:

– Chính sách xanh hoá môi trường “GO-GREEN” từ Trung Quốc : Trung Quốc đã đóng cửa gần 40% nhà máy sản xuất API do những vi phạm tiêu chuẩn khí thải, gây áp lực tăng giá nguyên liệu trên toàn thế giới

– Vấn đề về quy định tiêu chuẩn: Việc yêu cầu nhà máy sản xuất API đạt tiêu chuẩn cGMP (tiêu chuẩn do EU, Nhật Bản, Mỹ đề ra nhằm đảm bảo chất lượng về sức khoẻ, môi trường) của Trung Quốc sẽ khiến các doanh nghiệp ở nước này phải nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy trong vài năm tới, tác động giá API tăng theo

– Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến các công ty dược của Việt Nam gặp rủi ro về tỷ giá hối đoái.

Tìm hiểu các khóa học đầu tư chứng khoán, tự do tài chính tại đây:  AzFin Academy

Đọc và tìm hiểu thêm các kiến thức kinh nghiệm đầu tư tại đây: AzFin.vn

Đăng ký tham gia Cộng đồng Tích sản cổ phiếu TẠI ĐÂY!

 

Các bài viết yêu thích

GIỚI THIỆU

Tích sản cổ phiếu là phương pháp đầu tư giá trị được AzFin nghiên cứu và sáng tạo phù hợp với nhà đầu tư không chuyên. 
AzFin luôn tin rằng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng cộng đồng”. Do đó, chúng tôi mong rằng Cộng đồng Tích sản cổ phiếu của Az sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư vượt qua mọi sóng gió thị trường để tạo nguồn thu nhập thụ động bền vững, hướng đến Tự do tài chính. 

@2022 Bản quyền nội dung thuộc về AzTalent