Mục lục bài viết
Tích sản cổ phiếu HND – Tại sao không?
HND là một mã cổ phiếu có trong danh mục tích sản của AzFin. Vì sao đây là cổ phiếu được lựa chọn. Mời bạn đọc bài viết dưới đây.
Phần 1 : Hiểu về doanh nghiệp HND
I. Tổng quan về doanh nghiệp HND
Tháng 02/2002, Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản, Tổng công ty Bảo Việt, Tổng công ty Lắp máy VN và Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã đi đến thống nhất và thành lập CTCP Nhiệt điện Hải Phòng để đầu tư xây dựng nhà máy phát điện. Công ty bắt đầu niêm yết với mã chứng khoán HND ngày 05/10/2016 trên sàn giao dịch chứng khoán UpCOM. Hiện nay mã cổ phiếu đang được giao dịch với thanh khoản trung bình 10 phiên là 31,602 cổ phiếu.
1. Ngành nghề kinh doanh của HND
Hoạt động kinh doanh chính của HND là sản xuất, truyền tải và phân phối điện tại hai nhà máy nhiệt điện than HP1 & HP2. Hai nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1&2 có tổng công suất 1,200 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.2 tỷ USD, tương ứng khoảng 24,000 tỷ đồng, sản xuất ra khoảng 7 tỷ kWh điện mỗi năm để cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.
Quá trình để tạo ra sản phẩm có thể được hiểu như sau:
Đầu vào: Yếu tố đầu vào quan trọng nhất của HND là nhiên liệu. Than là nhiên liệu chính dùng để cung cấp nhiệt năng cho quá trình sản xuất điện. Ngoài than, một vài loại phụ liệu khác như dầu FO, đá vôi, hóa chất cũng cần được sử dụng để phục vụ quá trình khởi động tổ máy và để tăng hiệu suất đốt than.
Chi phí nhiên liệu và chi phí khấu hao là hai khoản chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí đầu vào của HND. Hàng năm, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 65% đến 75% tổng chi phí sản xuất kinh doanh, trong khi đó tỷ trọng chi phí khấu hao hàng năm khoảng 20% đến 25%.
Quy trình sản xuất: Quy trình sản xuất điện của một nhà máy điện than có thể được chia thành ba công đoạn chính: (1) các nhiên liệu được đưa vào lò hơi rồi tiền hành đốt; sau đó (2) nước được đưa vào trong các ống dẫn đi qua lò hơi, được đun nóng và chuyển thành hơi nước có nhiệt độ và áp suất cao; (3) dòng hơi nước áp suất cao sẽ thổi vào các cánh tua bin làm cho tua bin quay, tua bin quay làm cho máy phát điện hoạt động và sản sinh ra điện năng.
Đầu ra: Điện năng tạo ra từ nhà máy được đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia thông qua hai đường dây 220kV và 110kV. Một phần sản lượng điện sản xuất được (khoảng 9%) sẽ được sử dụng tại nhà máy, được dùng trong quá trình khởi động lại các tổ máy hoặc được dùng cho các hoạt động hành chính, sinh hoạt ở trong công ty. Toàn bộ phần sản lượng còn lại (hơn 90%) được bán cho Công ty Mua bán điện EPTC trực thuộc EVN. Sản lượng điện này được EVN thanh toán theo hai hình thức: theo hợp đồng mua bán điện theo thoả thuận 2 bên (PPA) hoặc theo giá điện trên thị trường điện cạnh tranh.
2. Cơ cấu cổ đông & ban lãnh đạo
Cơ cấu cổ đông của HND khá cô đặc, phần lớn cổ phần của HND được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức, chỉ có 14% cổ phần được nắm giữ bởi các cổ đông cá nhân. Tổng Công ty Phát điện 2 (EVN GENCO2) là cổ đông nắm giữ quyền chi phối với 51% cổ phần. Ngoài ra HND còn có 2 cổ đông lớn khác là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC).
Đội ngũ quản lý của HND đều có thâm niên với công ty và nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn của mình.
==> Việc cơ cấu cổ đông cô đặc có thể tác động đến quá trình tích sản gặp khó khăn hơn bởi yếu tố thanh khoản.
TÌM HIỂU THÊM: Vì sao nên tích sản cổ phiếu PTB?
II. Thực trạng ngành ra sao ?
- Nhu cầu điện tăng trưởng ổn định
Sản lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ cao trong suốt 20 năm qua. Tốc độ tăng trưởng kép của sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc đạt lần lượt 13.22%/năm trong giai đoạn 2001 – 2010 và 10.44%/năm trong giai đoạn 2011 – 2020.
Nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên trong các năm qua chủ yếu là nhờ sự phát triển của các ngành công nghiệp và sự tăng lên của nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt do quá trình đô thị hóa và tăng trưởng mức thu nhập.
Kỳ vọng sản lượng điện tiêu thụ giai đoạn 2022F – 2030F sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 8%/năm bởi (1) ngành công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ; (2) thu nhập người dân ngày càng cải thiện và (3) Làn sóng FDI gia tăng.
- Giá than có thể tăng thêm 5 – 10% trong nhiều năm tới.
Nhà máy điện của HND sử dụng 2 loại than là than cám 5a (70%) và than cám 6a (30%). Các loại than trên đều là than nội địa được cung cấp bởi hai đơn vị là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) – Bộ Quốc Phòng. Ngoài ra, HND cũng đã được cho phép nhập khẩu than để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.
Giá bán than nội địa cho các nhà máy điện được dựa trên cơ sở hiệp thương giữa EVN, TKV và TCT Đông Bắc. Do đó, việc điều chỉnh giá bán than cho các nhà máy điện phải dựa theo sự quản lý của Bộ Tài Chính. Vì vậy, giá than đầu vào của các nhà máy điện thường ít biến động hơn so với thị trường Thế giới. Tuy nhiên về mặt bằng chung, giá than trung bình tăng giá khoảng 5% hàng năm.
Bảng dự báo giá trung bình của than nội địa chuẩn 5a và than trộn tương đương (Nguồn: Nguồn: Bộ Công Thương, dự báo chung trên Bloomberg, VCSC)
Chúng tôi dự báo, giá than sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 5% – 10% trong giai đoạn 2023 – 2026 bởi nhu cầu nhiệt điện than gia tăng trong tương lai khiến cho TKV (bạn hàng lớn nhất của HND) phải nhập khẩu than nhiệt điện với giá bán tương đối cao hơn so với than sản xuất trong nước để hoàn thành hợp đồng. Điều này có thể khiến TKV phải tăng giá than nhiệt điện và sẽ làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của HND bị thu hẹp trong tương lai.
- Nhiệt điện than khó có thể mở rộng do lo ngại về vấn đề môi trường
Bộ Công Thương vừa ra văn bản số 4329/BCT-ĐL báo cáo Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch điện VIII; trong báo cáo đề xuất phương án giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong tương lai. Cụ thể, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than sẽ giảm dần còn 37,467 MW vào năm 2030, tương đương khoảng 31% tổng công suất điện toàn hệ thống (giảm 5 điểm phần trăm so với năm 2020). Và con số đó chỉ còn 13.2% vào năm 2045. Ngoài ra, việc phát triển nhiệt điện than đang gặp khó khăn do nhiều địa phương không đồng thuận việc xây dựng nhà máy điện than vì những lo ngại về ô nhiễm môi trường
Cũng tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã từ chối phát triển một số dự án điện than trong tương lai, trong đó có dự án Hải Phòng III. Điều này dẫn đến HND khó có thể mở rộng trong tương lai.
Phần 2: Tại sao lại tích sản cổ phiếu HND
III. Tại sao nên tích sản cổ phiếu HND ?
- HND sở hữu nhà máy điện có công suất lớn, vận hành ổn định, tuổi đời khá trẻ
HIện nay, doanh nghiệp sở hữu 2 nhà máy điện với tổng công suất 1,200 MW, với công suất trên HND đang là đơn vị vận hành nhà máy nhiệt điện than lớn thứ hai tại miền Bắc.
Đặc điểm của các nhà máy nhiệt điện than là có thể duy trì được một mức công suất ổn định hơn và duy trì trong thời gian dài hơn so với nguồn điện khác (Thuỷ điện dựa vào sức nước, phong điện dựa vào sức gió …)
Chỉ tiêu kỹ thuật một số nhà máy điện than (Theo: FPTS)
Các nhà máy của HND có tuổi đời còn khá trẻ (đối với nhà máy HP1 là 7 năm, trong khi nhà máy HP 2 là 10 năm). Các tổ máy được bảo dưỡng thường xuyên nên vẫn đang vận hành ổn định, tỷ lệ xảy ra sự cố thấp. Tỷ lệ dừng máy bắt buộc do xảy ra sự cố của HND là tương đối thấp (1.4 – 1.6%), thậm chí thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhiệt điện than khác như QTP ( 7.84%) và PPC (3.08%).
- Doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh trên thị trường điện nhờ chi phí biến đổi thấp
Công nghệ một số nhà máy điện than
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng sử dụng công nghệ lò than phun với chỉ số suất hao than thô hàng năm thấp (Khoảng 460 g/kWh thấp hơn so với trung bình ngành là 550 – 600 g/kWh), nhờ đó chi phí nhiên liệu (chi phí biến đổi) bình quân trên mỗi kWh của HND cũng thấp hơn so với mức trung bình các nhà máy nhiệt điện than khác.
Ngoài ra, chi phí biến đổi thấp cũng giúp HND có lợi thế khi tham gia vào thị trường điện cạnh tranh (CGM) đặc biệt tại thời điểm giá điện giao ngay trên thị trường cao hơn chi phí biển đổi của nhà máy. Hơn nữa, với chi phí biến đổi thấp, HND có thể phát điện được tại nhiều chu kỳ hơn, qua đó mức sản lượng cung ra thị trường cao hơn so với các nhà máy có chi phí biến đổi cao như NCP, NBP.
- Đầu ra luôn được đảm bảo
Hiện nay, các khâu truyền tải – phân bố – bán lẻ đang được nắm giữ hoàn toàn bởi các đơn vị trực thuộc EVN. Điều này giúp cho HND không phải lo tìm khách hàng khi chỉ cần hoàn thiện quá trình sản xuất và phân phối lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.
- Doanh nghiệp gần hoàn thành trích lập khấu hao
Việc doanh nghiệp dần hoàn thành trích lập khấu hao (ước tính 2026) sẽ cắt giảm chi phí cố định cho doanh nghiệp và hỗ trợ lợi nhuận trong những năm huy động thấp.
- Áp lực nợ vay dần xoá bỏ
Doanh nghiệp liên tục duy trì trả nợ vay đều đăn 1,700 – 2,000 tỷ hàng năm. Sau khi HND trả hết nợ (dự kiến hết năm 2023), dòng tiền sẽ được hoàn lại cho cổ đông dưới dạng cổ tức tiền mặt, tương tự các nhà máy điện lớn trên thị trường. Khi năng lực sản xuất và hiệu quả quản lý của HND đảm bảo dòng tiền được ổn định qua các năm, thu nhập từ cổ tức sẽ trở thành điểm cộng lớn cho việc nắm giữ cổ phiếu HND.
- Tỷ lệ chi trả cổ tức cao và có thể cao hơn trong tương lai ( trung bình 1,500 đồng/ cổ phiếu ~ 8.5%/ năm)
ĐỌC THÊM: Tích sản cổ phiếu REE – Tại sao không?
IV. Cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của HND
- Đánh giá tài chính doanh nghiệp
Kết quả kinh doanh công ty (Nguồn: BCTC HND)
Doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 tương đối khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần của HND đạt gần 5,203 tỷ đồng, tăng trưởng 12.78% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ giá vốn không biến động nhiều đã giúp lợi nhuận gộp của Công ty tăng 140%, lên hơn 687 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 16.5%, xuống còn hơn 45 tỷ đồng. Qua đó, HND thu về gần 538 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 203.85% so cùng kỳ.
Nguyên nhân cho sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ:
- Giá than tăng cao trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong quý 2/2022 dẫn đến giá bán điện tăng
- Giãn khấu hao một số tài sản làm giá vốn hàng bán không biến động mạnh
- Chi phí lãi vay giảm do doanh nghiệp đã trả bớt nợ vay trong năm qua.
- Sức khoẻ tài chính lành mạnh
- Quy mô từ vốn chủ sở hữu, tài sản của HND luôn bền vững
- Nợ vay/VCSH giảm dần về 0%, áp lực nợ vay dần xoá bỏ, phần trích lập lợi nhuận để trả nợ vay sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông
- Tỷ lệ bị chiếm dụng vốn cao, các khoản phải thu đều đến từ công ty Mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và hoàn toàn có thể thu hồi được. Như vậy, tỷ lệ bị chiếm dụng cao hoàn toàn không mang đến rủi ro cho doanh nghiệp
- Dòng tiền tương đối hài hoà
- Dòng tiền từ HĐKD liên tục duy trì ở mức cao cho thấy sự hiệu quả và quản trị phải thu tốt
- Dòng tiền từ đầu tư âm nhưng quy mô không lớn cho thấy doanh nghiệp không có sự đầu tư mở rộng trong tương lai.
- Dòng tiền tài chính âm lớn do công ty trả cổ tức và trả bớt nợ vay khi hoạt động kinh doanh chính mang lại tiền tốt
XEM THÊM: Đầu tư giá trị là gì? Bạn có hiểu đúng về đầu tư giá trị?
V. Tương lai doanh nghiệp có gì ?
- Nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng trong tương lai
Theo số liệu của Viện Năng lượng, nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến tăng trưởng trinh bình 8%/ năm trong giai đoạn 2022 – 2030. Động lực tăng trưởng chính đến từ sự tăng trưởng của các ngành sản xuất công nghiệp, tốc độ đô thị hoá nhanh trên cả nước và dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.
- Nhu cầu mở rộng đầu tư tài sản cố định mới gần như không có, áp lực trả nợ vay đang giảm dần giúp HND có thêm dòng tiền để phục vụ việc trả cổ tức
HND sẽ trả hết các khoản vay dùng để xây dựng nhà máy HP1 do đó khoản nợ gốc vay đến hạn trả sẽ giảm từ hơn 1.800 tỷ năm 2020 xuống còn hơn 1.400 tỷ năm 2021 và gần 1.000 tỷ trong năm 2022 và sẽ tiếp tục giảm trong các năm sau.
- Cơ hội luôn đi kèm rủi ro
- Tình hình thuỷ văn sẽ tác động đến sản lượng điện của HND
Hệ thống điện tại Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thuỷ điện bởi yếu tố giá thành rẻ, thậm chí là rẻ nhất trong số các loại hình phát điện tại Việt Nam hiện nay. Nếu hiện tượng mưa bão kéo dài, lượng mưa tăng cao có thể khiến sản lượng truyển tải HND không đạt được như kỳ vọng và ngược lại.
- Rủi ro do phụ thuộc vào EVN và các chính sách thay đổi từ chính phủ
EVN hiện vẫn đang nắm giữ vị thế độc quyền mua điện trên thị trường điện, độc quyền bán lẻ điện cũng đang sở hữu các đơn vị vận hành hệ thống điện và hệ thống truyền tải điện. Do đó, EVN có một sức mạnh đàm phán lớn và có khả năng chiếm dụng vốn không chỉ với HND mà còn đối với hầu hết các nhà máy điện. Việc chỉ phụ thuộc duy nhất vào một khách hàng có thể khiến doanh thu và lợi nhuận của HND giảm sút trong tương lai khi EVN hạn chế thu mua điện hoặc kết quả đàm phán không được như kỳ vọng.
Ngoài ra, các yếu tố như tỷ lệ sản lượng theo hợp đồng, giá trần giao ngay (SMP), giá công suất thị trường (CAN) hay các thông tư quy định giá điện đều do các cơ quan Nhà nước quy định và thay đổi hàng năm nên thường gây ra xáo trộn đối với đầu ra của các nhà máy điện. Đặc biệt là trong thời gian thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được đưa vào thí điểm sắp tới, khả năng xảy ra các thay đổi lớn trong các quy định về thị trường điện là rất cao.
Tìm hiểu các khóa học đầu tư chứng khoán, tự do tài chính tại đây: AzFin Academy
Đọc và tìm hiểu thêm các kiến thức kinh nghiệm đầu tư tại đây: AzFin.vn
Đăng ký tham gia Cộng đồng Tích sản cổ phiếu TẠI ĐÂY!