Mục lục bài viết
Tích sản cổ phiếu có phù hợp với nhà đầu tư cá nhân?
Đã từng “cháy tài khoản” đôi lần trong 15 năm đầu trên TTCK, ông nghiệm ra rằng, nhà đầu tư cá nhân thua lỗ đa phần do lựa chọn phương pháp đầu tư chưa phù hợp.
Đặc tính của các nhà đầu tư cá nhân là ưa thích giao dịch liên tục, cộng thêm nền tảng kiến thức chưa vững đang khiến nhiều nhà đầu tư khi mới gia nhập thị trường có cái nhìn lệch lạc, chưa chuẩn về kênh đầu tư hấp dẫn này.
Điển hình là làn sóng mở mới tài khoản kỷ lục trong năm 2021 nhưng tỷ lệ nhà đầu tư định vị được phương pháp đầu tư là ít, còn lại đa phần mua theo “phím hàng”, theo room, đi theo “phòng trào”,… tâm lý “đỏ đen” vẫn chiếm đa số – hệ luỵ là có rất nhiều nhà đầu tư bốc hơi tài khoản trong một thị trường uptrend như năm 2020-2021.
Có rất nhiều phương pháp đầu tư được các chuyên gia chia sẻ, như đầu tư giá trị, tăng trưởng, theo các mô hình kỹ thuật, theo dòng tiền….hoặc kết hợp cả đầu tư giá trị và kỹ thuật…Còn với đầu tư theo phương pháp tích sản cổ phiếu được nhắc đến nhiều hơn trong 2 năm nay, nhưng phương pháp này gây nhiều luồng ý kiến trái chiều trên thị trường, trong đó luận điểm chính được đưa ra là thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị chi phối bởi giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, kiến thức kinh nghiệm tài chính ít, và tính fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) cao….nên phương pháp này không phù hợp.
Trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP Azfin Việt Nam (tổ chức chuyên về tài chính, chứng khoán) là người chia sẻ và kiên trì với phương pháp này nhiều năm nay. Nhân dịp đầu năm, ông Đặng Trần Phục trao đổi với Báo điện tử Đầu tư thêm góc nhìn về tích sản cổ phiếu.
Trải qua hơn 15 năm tham gia thị trường chứng khoán (TTCK), ông có ấn tượng gì về thị trường chứng khoán năm 2021?
Đây là năm đặc biệt nhất với nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Trước hết là vui vì TTCK có những bước phát triển rất mạnh mẽ và bền vững hơn. Năm 2021, chúng ta chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, bất chấp dịch bệnh vô cùng khó khăn các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng với khoảng 40% so với 2020. Trong đó phải kể đến là các doanh nghiệp cổ phần tư nhân đã thực sự thay thế doanh nghiệp nhà nước và vượt lên trên doanh nghiệp FDI trở thành đầu tàu kinh tế như Vinhomes, Hòa Phát, FPT, Thế giới Di động, Masan, Techcombank … điều này càng thể hiện sự tiến bộ và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Dẫn dắt các doanh nghiệp xuất sắc là những doanh nhân tầm cỡ khu vực thậm chí thế giới, những doanh nhân nghĩ lớn làm lớn, họ làm được những điều mà chỉ vài năm trước có mơ chúng ta cũng không nghĩ có thể làm được. Nếu như trước đây chúng ta cho rằng cái ốc vít không làm được thì giờ kể cả ô tô điện chúng ta cũng làm được, trước đây nghĩ bán lẻ, hay ngân hàng, công nghiệp nặng, thậm chí cả bất động sản vào tay nước ngoài … thì thực tế đến nay, người Việt đã làm chủ “cuộc chơi”.
Ấn tượng tiếp theo chính là kênh đầu tư chứng khoán được phổ biến rộng rãi với hơn 1, 53 triệu tài khoản, bằng 1/2 so với 20 năm trước cộng lại, chứng khoán dần trở thành một kênh phân bổ tài sản quan trọng bên cạnh bất động sản. Bên cạnh đó, 2021 cũng là một năm kỷ lục của những thương vụ huy động vốn trực tiếp từ người dân đến doanh nghiệp, vai trò TTCK quan trọng hơn bao giờ hết.
TTCK Việt Nam có 1 năm thăng hoa với tăng trưởng của Vindex là 35,4% so với năm 2020, mang lại rất nhiều thành công cho nhà đầu tư.
Dẫu vậy, thành công không phải dành cho tất cả, TTCK vẫn còn nhiều cạm bẫy. Hiện tượng đầu cơ, làm giá cổ phiếu tưởng chừng sẽ giảm bớt khi TTCK phát triển hơn, nhưng không, việc này vẫn diễn ra thậm chí mạnh hơn và tinh vi hơn nhiều so với quá khứ, nó có tác động rất tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, làm méo mó đi vai trò rất quan trọng của TTCK, trong mắt không ít người đây chỉ là một kênh cờ bạc mà thôi. Điều đau xót nhất là trái ngược với sự thăng hoa mạnh mẽ của TTCK, thì số lượng nhà đầu tư thua lỗ có lẽ cũng là kỷ lục từ khi TTCK thành lập đến nay với cả trăm ngàn người, trong đó chủ yếu là những nhà đầu tư mới, nhà đầu tư phong trào. Nhiều người đã mất trắng số tiền tích lũy cả đời của mình chỉ vì chứng khoán, thậm chí bán nhà, bán tài sản để trả nợ, gia đình rơi vào cảnh bần cùng. Hết Lan Var, Sàn coin ảo đến cổ phiếu bị làm giá làm cho bao nhiêu người điêu đứng.
Nhưng tổng kết lại, không thể phủ nhận, TTCK đã có những bước tiến lớn và nhảy vọt không những trở thành kênh đầu tư, huy động hiệu quả cho nhà đầu tư và doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển, nâng tầm vị thế về mặt kinh tế Việt Nam ngày càng lớn trên trường quốc tế.
Để có thể tồn tại và thành công trên thị trường chứng khoán đến nay, bài học rút ra là gì, thưa ông?
Đã từng “cháy tài khoản” đôi lần thời kỳ đầu trong 15 năm trên TTCK, tôi hiểu rằng nhà đầu tư cá nhân đa phần thua lỗ trên thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng không ít cạm bẫy này là do lựa chọn phương pháp đầu tư chưa phù hợp với bản thân. Đối với những người làm nghề chứng khoán, họ có thời gian, có kỹ năng và họ sống bằng giao dịch chứng khoán thì phương pháp phù hợp với họ là trading, là đầu tư theo dòng tiền, thậm chí đầu cơ lướt sóng T0, T3. Tuy vậy với đa phần nhà đầu tư chúng ta là không chuyên thì phương pháp đầu tư này có độ rủi ro tương đối cao.
Năm 2013, sau một thời gian tạm rời TTCK do phá sản, tôi quay lại nghiên cứu về các huyền thoại đầu tư chứng khoán như Warren Buffett, Walter Schloss, Charlie Munger và những tỷ phú huyền hoại đầu tư khác, tôi nhận thấy rằng họ đầu tư rất nhàn nhã nhưng lại rất thành công “tiền đẻ ra tiền” một cách rất bền vững. Kết hợp với thực tế nhìn lại tài khoản đã lãng quên của mình từ đầu 2011, tôi nhận thấy hai cổ phiếu lãng quên gần 3 năm trước đó mang lại hiệu quả vô cùng xuất sắc đó là VNM tăng 126,9%, CAP tăng 179,9%, lợi suất kép khủng khiếp trung bình tới 43,3%/năm. Từ đấy tôi tin rằng đây chính là “CHÉN THÁNH” mà mình đã tìm kể từ khi tham gia TTCK năm 2007, nó thực sự phù hợp với nhà đầu tư cá nhân muốn xây dựng kênh thu nhập thụ động, bền vững mà không tốn nhiều thời gian.
Vậy “tích sản cổ phiếu” là gì? Với thị trường chứng khoán Châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, có đặc tính là NĐT cá nhân tham gia nhiều với sở thích “trading”, phương pháp này liệu có phù hợp?
Tích sản cổ phiếu là phương pháp đầu tư theo trường phái giá trị, người tích sản cổ phiếu chỉ cần lựa chọn cổ phiếu đều đặn hàng tháng, hàng quý theo 3 tiêu chí: (1) Có lợi thế cạnh tranh mạnh khiến cho doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai; (2) Có quản trị công tỹ xuất sắc để lèo lái doanh nghiệp đi xa và họ sẵn sàng chia sẻ lợi ích với cổ đông nhỏ; (3) Định giá hấp dẫn. Việc bán cổ phiếu đối với phương pháp này chỉ xảy ra khi không đáp ứng được các điều kiện ở trên.
Chúng tôi đã ứng dụng phương pháp này chính thức bắt đầu tư năm 2013, cổ phiếu Azfin mua tích sản đầu tiên là FPT và sau đó là các cổ phiếu như REE, TCB, ACB, TPB, MWG, HPG … và đạt kết quả bất ngờ sau 1 thời gian dài, lợi suất các danh mục tích sản đạt lãi kép 36,6%/năm trong giai đoạn 2013-2021.
Kết quả đạt được tốt như vậy là nhờ việc chúng tôi bổ sung thêm một số các nguyên tắc đầu tư phù hợp vào như: Có giá ngừng tích sản được cập nhật hàng quý theo nền tảng cơ bản doanh nghiệp, nếu thấp hơn giá này thì người tích sản cứ an tâm mua đều đặn vì giá đó được định giá theo cơ bản là hấp dẫn. Và có giá cân nhắc bán cập nhật hàng quý, khi đến vùng giá này thì nhà đầu tư tích sản có thể bán vì với giá này cổ phiếu được định giá hợp lý, và đến ngưỡng này nếu nhà đầu tư chốt lời thì sẽ được 1 khoản lợi nhuận cao.
Ví dụ chúng tôi từng 2 lần chốt lời cổ phiếu REE vào thời điểm tháng 3/2018 khi định giá cao với P/E =11 lần, sau đó lại tích lũy lại từ 2019 và bán chốt lời vào thời điểm tháng 31/08/2021 khi P/E =11 lần. Lợi nhuận đạt được mỗi lần xấp xỉ 100%.
Bước sang năm Nhâm Dần 2022, xin kính chúc quý vị nhà đầu tư luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và nâng tầm. Chúc quý vị đầu tư cổ phiếu thành công và hãy đầu tư với triết lý “Mua cổ phiếu chính là mua một phần doanh nghiệp và nắm giữ cổ phiếu với tâm thế là chủ của doanh nghiệp”.
Theo Báo Đầu Tư