Mục lục bài viết
Gen Z đầu tư – Nên bắt đầu từ đâu?
Hiện nay, thế hệ gen Z đã bắt đầu mày mò đầu tư chứng khoán như một cách kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư trẻ hoang mang không biết nên bắt đầu đầu tư từ đâu. Hãy cùng AzFin Việt Nam tìm hiểu lời khuyên từ các chuyên gia, Gen Z nhé!
Hiện trạng đầu tư của Gen Z
Theo số liệu của Business Insider – một tờ báo điện tử về doanh nghiệp, người nổi tiếng và các tin tức tài chính và kinh doanh Mỹ, các video được gắn hashtag (thẻ) #finance, #invest hoặc #stocktok trên Tiktok nhận được hàng tỷ lượt xem – cụ thể tổng cộng là 7,5 tỷ tại thời điểm giữa tháng 7/2021. Đó là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy, “đầu tư” là một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Gen Z.
Tuy nhiên, chuyên gia bảo hiểm Pelayo-Romero cho biết, nhiều thông tin trên TikTok về chứng khoán còn thiếu chính xác. Gen Z đang chứng kiến thị trường chứng khoán tăng giá sau Covid-19 và đặt kỳ vọng sai lầm vào khả năng kiếm lời của nó. Nếu không có sự tư vấn phù hợp, mọi người sẽ khó đưa ra lựa chọn đúng, rất dễ mắc sai lầm đáng tiếc trong đầu tư.
Lần đầu bước chân vào thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân Gen Z non trẻ đều dễ vấp phải những vấn đề chung như chưa có kế hoạch đầu tư rõ ràng, vướng bẫy FOMO (fear of missing out – nỗi sợ bị bỏ lỡ), sốt ruột khi thấy tài khoản lỗ.
Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, nhân viên PR, Hà Nội) tập tành đầu tư chứng khoán với số vốn nhỏ. Trả lời Zingnews, Linh cho hay, trong thời gian đầu, cô chơi theo cảm tính, mua “cổ” theo cảm tính thấy thích doanh nghiệp hoặc nghe các room tư vấn phím hàng.
Theo Linh, số lượng room tư vấn mua bán cổ phiếu rất nhiều. Mỗi nơi hoạt động rất nhộn nhịp nên những nhà đầu tư F0 chưa có kiến thức rất dễ bị cuốn theo, không biết nên tin bên nào.
“Dù hiểu rằng đầu tư thì không có gì chắc chắn 100%, mỗi room đều cố gắng nghiên cứu và dự đoán thị trường nhưng thông tin nhiều quá dễ khiến mình bị loạn. Khi loạn thông tin thì bản thân dễ rơi vào FOMO, mang nỗi sợ không kịp mua hay lỡ cơ hội sinh lời.
Bên cạnh đó, ai mới chơi cũng hay có tâm lý mã nào cũng muốn sở hữu, bỏ lỡ thì tiếc, muốn làm dày danh mục nắm giữ, mã nào cũng phải có chút. Việc này khiến nhà đầu tư bị loạn, khó quản lý rủi ro khi thị trường sập mạnh”, Linh bộc bạch.
Minh Khánh (20 tuổi, Đà Nẵng) rút ra một số bài học khiến anh lưu tâm, người mới dễ nghiện xem biểu đồ cổ phiếu và nghe ngóng tin tức ngoài lề, dẫn đến mất thời gian làm những công việc khác.
“Ngoài ra, người mới chơi thường bị dao động tâm lý khi cổ phiếu giảm sâu, dẫn đến bán tháo hay cắt lỗ. Tuy nhiên, vài ngày sau, cổ phiếu đó có thể phục hồi, thậm chí tăng, khiến nhà đầu tư rơi vào tình trạng “mất hàng”, anh chia sẻ.
Ryan Cutter (Bắc Mỹ, 24 tuổi) đã đầu tư 8.900 USD vào Kinder Morgan, một công ty năng lượng nổi tiếng tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, cổ phiếu này liên tục lao dốc và Cutter mất khoảng một phần ba số tiền đầu tư của mình tương đương 3.000 USD.
Không nản lòng, Cutter lao vào nghiền ngẫm các cuốn sách tài chính, học cách đánh giá bảng cân đối kế toán của công ty và chú ý nhiều hơn đến các thước đo chính như giá trên tỉ lệ thu nhập. Ryan Cutter nhận ra rằng, nghiên cứu kĩ lưỡng các công ty trước khi đầu tư là chìa khóa thành công.
Qua các trường hợp trên có thể thấy rằng, nếu Gen Z không có kiến thức hoặc không có phương pháp đầu tư bài bản và định hướng kế hoạch đầu tư rõ ràng thì rất rủi ro. Việc đầu tư theo tin tức chưa bao giờ là dễ dàng với người mới, ít kiến thức, với nhà đầu tư ít thời gian và vốn. Lựa chọn phương thức đầu tư đúng đắn sẽ giúp các nhà đầu tư Gen Z tránh được rủi ro mất vốn và sớm tự do tài chính.
TÌM HIỂU THÊM: ” https://tichsancophieu.vn/dau-tu-gi-voi-so-tien-nho-de-mang-ve-loi-ich-nhieu-nhat/“
Lời khuyên của các chuyên gia
Ông Kelvin Goh, Giám đốc bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng OCBC, Singapore cho biết:
“Thị trường chứng khoán biến động khôn lường, nếu nhà đầu tư đầu tư một khoản tiền lớn vào đó mà không thực sự hiểu doanh nghiệp hoặc đầu cơ ngắn hạn thì họ sẽ dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn khi nhìn thấy khoản đầu tư của mình teo đi 10-30%. Khi thị trường hồi phục thì có thể lúc đó họ đã bán cổ phiếu mất rồi.
Ngược lại, những nhà đầu tư có một kế hoạch đầu tư đều đặn sẽ không cần phải thay đổi chiến thuật và tái cấu trúc danh mục đầu tư theo ngày”.
Trả lời Báo Đầu tư, Giám đốc đầu tư VinaCapital, ông Andy Ho cho hay, bản thân ông đã trải qua nhiều giai đoạn bùng nổ nhà đầu tư mới ở các thị trường. Khi F0 bước vào thị trường, thật khó để nói về tích sản cổ phiếu vì nó trái với thực tế đang diễn ra, khi bạn bè, những người xung quanh đạt lợi nhuận trong thời gian rất ngắn.
Theo ông, khi có một lớp nhà đầu tư mới trưởng thành, giàu kinh nghiệm hơn, thì số người đầu tư giá trị, tích sản sẽ ngày càng nhiều hơn bởi đây là cách dễ nhất để đi đến thành công.
Có thể bạn quan tâm: 5 nguyên nhân Gen Z không nên bỏ qua tích sản cổ phiếu
Các chuyên gia tài chính cho rằng, điểm quan trọng đối với các nhà đầu tư trẻ là họ nên bắt đầu đầu tư và tích lũy tài sản từ sớm. Để đạt được mục tiêu cuối cùng, quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn. (Theo Đầu tư Chứng khoán)
Kết luận:
Theo như lời khuyên của các chuyên gia, các nhà đầu tư trẻ nên tích sản cổ phiếu thay vì đầu tư ngắn hạn. Bên cạnh đó, Gen Z muốn đầu tư chứng khoán bài bản nên đầu tư cho kiến thức của bản thân để không bị hoảng loạn khi thị trường đảo chiều.