Mục lục bài viết
Chiến lược tích sản đã thay đổi tôi như thế nào
Đây là một series hồi ký của chính bản thân tôi về chặng đường quản lý tài chính cá nhân, về quá khứ, hiện tại và tương lai. Hy vọng có thể truyền được một chút cảm hứng để các bạn tích sản và kỷ luật tài chính, đặc biệt là các bạn trẻ trong cộng đồng chúng ta.
Sinh ra từ vạch đích
Tôi, 30 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình mà có thể diễn tả bằng 1 từ của giới trẻ bây giờ “sinh ra từ vạch đích”. Bố tôi từng là giám đốc của một công ty sản xuất tôn lớn nhất nhì Việt Nam. Mẹ tôi là bác sĩ tại một bệnh viện lớn và lâu đời nhất Hà Nội. Với tiềm lực tài chính và quan hệ vững chắc từ gia đình, tôi cứ thế lớn lên mà không cần phải lo nghĩ hay thiếu thốn gì.
Bùng học ngồi net cả ngày sợ bị đuổi học? Mẹ tôi là bác sĩ của hiệu trưởng nên tôi cũng không lo lắm, bảng điểm vẫn sẽ đẹp thôi. Thiếu tiền để đi bar, sắm hàng hiệu? Alo cho bố là có ngay 1 khoản ý mà. Dần dần những suy nghĩ ỷ lại và sự chiều chuộng từ gia đình đã ăn vào máu và hình thành nên tính cách con người tôi, trong 20 năm đầu tiên của cuộc đời. Tạo nên một con người ngông nghênh, ăn chơi và lêu lổng.
Nghĩ lại tôi thật may mắn vì trước đây, mạng xã hội và sự tiếp cận thông tin không dễ như bây giờ. Nếu không, mặt tôi sẽ tràn ngập các diễn đàn với những clip đại loại như “Mày biết bố mày là ai không?”…
Xem thêm: https://tichsancophieu.vn/dau-tu-gi-voi-so-tien-nho/
Trượt dốc
Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời. Vào năm 2011, vì không chịu nổi áp lực khi đấu đá và sự tranh dành lợi ích của cấp dưới, bố tôi đã nghỉ việc và về hưu khi ông bước qua tuổi 53. Dù với quan hệ của ông cũng như danh tiếng từ ngành, ông không khó để tìm một 1 vị trí tương đương và tiếp tục “cày tiền”. Tuy nhiên, có lẽ vì quá mệt mỏi và tính cách không chạy theo đồng tiền của ông mà ông đã chấp nhận lùi về sau, lo nội trợ, chăm cây, nuôi cá và cày phim hành động mỹ, phim chưởng Hongkong… Lúc này, trụ cột về kinh tế được chuyển sang cho mẹ tôi khi bà đã được bổ nhiệm làm trưởng khoa tại bệnh viện.
Ở vị trí của tôi, là một thanh niên đang tuổi khẳng định mình bỗng nhiên bị cắt giảm 1 nguồn thu nhập cố định từ bố. Tôi liên tục trì triết và quở trách ông đã không vì con cái mà tiếp tục đi làm, lại hưởng thụ 1 cuộc sống an nhàn như vậy. Tất nhiên với tôi bây giờ, ước mơ của tôi cũng chỉ mong được về hưu sớm và nhàn hạ như ông vậy.
Mẹ tôi thì khác, mẹ tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với nghề bác sĩ cũng như việc kiếm tiền. Do có chồng hậu thuẫn tất cả các việc ở nhà. Bà thỏa sức và dồn hoàn toàn tâm trí vào công việc của mình. Bà mở một phòng khám tư nhân với mục tiêu thành lập một chuỗi phòng khám uy tín tại Hà Nội. Tuy nhiên, mẹ tôi đâu có kinh nghiệm quản lý, bà chỉ giỏi ở lĩnh vực chuyên môn của mình.
Còn tôi? 20 tuổi, cầm duy nhất 1 tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, vẫn xin tiền mẹ hàng tháng để ăn chơi nhảy múa thì làm sao giúp được bà? Không thạo kinh doanh, quản lý, lại bận với công việc tại bệnh viện, phòng khám tư nhân của nhà tôi thua lỗ trầm trọng và chính thức phá sản 3 năm sau đó. Giống như một chiếc xe đạp mất phanh đang lao xuống dốc, càng loay để kìm hãm tốc độ lao thì chỉ khiến nó lao nhanh hơn.
Năm 2014, thị trường chứng khoán chào đón 1 F0 FOMO thứ thiệt, đó là mẹ tôi. Thấy bạn bè mua nhà, đổi xe nhờ chứng khoán, mẹ tôi lao vào với hi vọng gỡ lại được số tiền kinh doanh thua lỗ. Kiến thức = 0, mẹ tôi gửi vốn cho bạn bè, ủy thác cho các brokers vẩy nến, tỉa nến, thổi nến với những hứa hẹn ăn lãi bằng lần. Cuối cùng, mẹ tôi trắng tay vào cuối năm 2014 khi mà thị trường lao dốc. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất đến từ gia đình khi biết vài năm sau, “con trai cưng của mẹ” cũng bắt đầu trở thành F0 trên sàn. Thật tiếc, nếu như hồi đó mẹ tôi tích sản, có lẽ giờ tôi lại đang ngồi ở vạch đích rồi…
Còn tôi của 2014 thì sao? Khi tài chính gia đình không còn đủ để hậu thuẫn những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, bạn nghĩ tôi làm gì? Phần 3 tôi sẽ kể tiếp nhé. Bây giờ tôi phải làm việc đã.
Đọc thêm: https://tichsancophieu.vn/co-nen-tich-san-co-phieu-khong/
Tuột xích
Kiếm 1 công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân, động viên bố mẹ trong những lúc khó khăn nhất. Đấy, người khác báo hiếu thì sẽ như vậy, còn tôi thì… báo nhà… Tôi lao vào những canh bạc đỏ đen, lô đề, bóng đá. Cờ bạc đãi tay mới, càng ăn tôi lại càng hăng, đến lúc thua thì gấp thếp (Gấp thếp theo ngôn ngữ chứng khoán nói chung và ngôn ngữ trader nói riêng gọi là “trung bình giá” hay “dca”). Hết tiền tôi lại vay lãi (tương tự như margin) nhưng không phải từ những sàn chứng khoán với tài sản đảm bảo và mức lãi cố định, mà từ những anh đầu trọc xích vàng xăm trổ với lãi cắt cổ. Đúng như một “hot facebooker 9 ngón đã từng nói: “có làm thì mới có ăn, không làm thì…”. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ đã vượt xa sự tưởng tượng của tôi. Cuối cùng, bố mẹ tôi cũng đã biết về số nợ khi chủ nợ tới tận nhà tôi để nói chuyện phải trái. Sau khi hẹn trả nợ cho tôi bằng cách bán mảnh đất mà bố mẹ đã để dành cho tôi khi tôi lập gia đình, cả nhà lặng lẽ ngồi ăn tối với nhau.
Có lẽ ám ảnh nhất đối với tôi đó chính là ánh mắt bố mẹ tôi ngày hôm đó. Bữa cơm lặng lẽ trôi qua, không ai nói với nhau câu nào. Có lẽ bố mẹ tôi đang cố tỏ ra bình thường để không trách móc thằng “con trai cưng”, tỏ ra bình thường để chứng tỏ tài chính gia đình vẫn đủ và đảm bảo cho tôi trong tương lai. Đã lâu rồi tôi không quan sát bố mẹ tôi kỹ như vậy, đủ kỹ để nhận ra khóe mắt đỏ hoe cùng các nếp nhăn đã xuất hiện từ bao giờ. Bố mẹ tôi đã già đi nhiều, để vất vả kiếm tiền, cùng những đêm trằn trọc khi thằng “con trai cưng” đi chơi chưa về… Thi thoảng là những tiếng hít vào thật sâu từ bố tôi như để kìm nén cơn giận. Còn mẹ tôi, 1 người đàn bà bản lĩnh và tài giỏi đang gượng gạo run lên, giữ những giọt nước mắt không rơi và tỏ ra mạnh mẽ. Bố mẹ tôi vẫn đang kiên cường để chấp nhận sự thật rằng, có lẽ tất cả những sự yêu thương và chiều chuộng ấy đã vô tình làm hỏng đứa con trai của mình. Nó chưa bao giờ biết nghĩ cho bố mẹ. Tất cả những hy vọng và tự hào vun đắp bấy nhiêu năm về thằng “con trai cưng” đã sụp đổ ngay tại đây, trong bữa ăn này. Sự ân hận của tôi đã đẩy lên đến tột cùng. Tôi lý nhí: “con xin lỗi”…
Có thể bạn cũng muốn đọc: https://tichsancophieu.vn/5-bi-quyet-tiet-kiem-cho-tuong-lai-tu-do-tai-chinh/
Độc lập
Sau bữa cơm ngày hôm đó, bố tôi có nói “con nên tập trung vào việc học, lấy bằng và đi làm đi, đừng lông bông nữa, bố mẹ không bên con cả đời đâu”. Trước đó, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi học tại 1 trường quốc tế tại Hà Nội. Ở đây, tiền chỉ là điều kiện cần, tôi vẫn phải học, làm bài kiểm tra và qua môn. Số môn tôi đỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên cứ trượt thì sẽ phải học lại từ đầu chứ không được thi lại. Lúc này, tôi lao đầu vào học, vá từng lỗ hổng kiến thức mà tôi đã bỏ qua, ở nhà nhiều hơn và cũng hay nói chuyện với bố mẹ hơn. Từ đó, tôi cũng dần lấy lại được sự tin tưởng từ phụ huynh.
Hai năm sau tôi tốt nghiệp và ra trường. Nhờ quan hệ từ gia đình, tôi được đưa vào làm tại một công ty có vốn nhà nước, ở bộ phận truyền thông.
Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời. Công việc bình lặng ăn lương cứng hàng tháng, tôi làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Lúc này, mục tiêu duy nhất của tôi là phải kiếm được thật nhiều tiền để có thể tự mình chi trả cho những cuộc vui, ăn nhậu và mua sắm. Bài học từ những năm trước cũng chỉ giúp tôi tránh xa cờ bạc và không còn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa.
Lúc đó, tôi vẫn ở cùng gia đình, tôi không mất 1 đồng cho chi phí ăn ở, điện nước. Đơn giản là tôi cảm thấy may mắn hơn người khác khi được bao bọc. Sau này nhìn lại, đây chính là điểm yếu của tôi, vì nếu tôi cũng phải chi trả cho những chi phí kia, tôi đã có thể phần nào quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn. Khi đó tôi nghĩ thế này: nếu mình làm 1 tiêu 10 thì phải cố làm 100. Tôi tự học thiết kế, chạy quảng cáo, MMO và nhận các job freelance để kiếm thêm thu nhập. Nhưng bằng 1 cách thần kỳ nào đó, tôi có kiếm 100 hay 1000 thì vẫn luôn ở trong tình trạng hết tiền. Tôi nghĩ mình kiếm chưa đủ. Tôi lập tức thôi việc sau 6 tháng và quyết định kinh doanh.
Sau khi kinh doanh ổn định thì tôi sẽ tiếp tục đi làm và kiếm các nguồn thu khác. Còn nếu kinh doanh thành công ngoài mong đợi, tôi sẽ nhân rộng mô hình. Ngựa non háu đá, tôi cùng bạn mở 1 nhà hàng bia tươi, vốn thì tôi vay bố mẹ. Việc kinh doanh cũng chỉ ở mức trung bình, thu nhập cũng chỉ nhỉnh hơn trước đây 1 chút. Nhưng cường độ công việc thì vất vả hơn nhiều lần, không những trí tuệ mà còn về sức khỏe. Vì đặc thù kinh doanh nhà hàng bia là lúc nào cũng phải tiếp khách, mỗi bàn 1 cốc thôi là đêm đến tôi lại “huệ ơi…”. Kế hoạch phá sản, tôi khá mệt mỏi. Tương lai không màu hồng như tôi nghĩ. Lúc này tôi bắt đầu nghiêm túc và quý trọng giá trị đồng tiền hơn. Tôi quyết định sang nhượng cửa hàng chỉ sau nửa năm. Thật may vì tôi có thể trả đủ số tiền đã vay trước đó.
Tham gia Cộng đồng Tích sản: https://tichsancophieu.vn/cong-dong-tich-san-co-phieu-tu-do-tai-chinh-cua-azfin/
May mắn
Làm chủ thất bại, quay lại làm thuê. Để có thể tìm thấy đam mê và thoải mái trong môi trường công sở, tôi đã tự xin việc và đi phỏng vấn, trải qua một vài năm nhảy việc liên tục, tôi đã và đang làm việc cho một công ty nước ngoài, với mức lương và đãi ngộ tương đối ổn.
Vì đặc thù công việc, tôi gặp khá nhiều đối tác. Trong một lần hợp tác, tôi đã gặp em, người con gái mà sau này, tôi phải đổi tên trong danh bạ điện thoại là Vo Gia (Vô Giá). Ấn tượng của tôi về em là một cô gái cá tính, hoạt bát và thẳng thắn. Em chỉ kém tôi 1 tuổi nhưng lại trưởng thành hơn tôi rất nhiều. Em đã tự lập và độc lập về tài chính ngay từ khi bước chân lên Hà Nội để học đại học. Ban đầu em thường cho tôi uống “sinh tố bơ”, nhưng sau khi hiểu hơn về con người tôi, về sự thay đổi của tôi, em đã đồng ý trở thành người yêu tôi. Chúng tôi lên kế hoạch 3 năm sau sẽ làm đám cưới, khi mà tôi có thể quản lý tài chính một cách hiệu quả hơn và có một khoản nhất định để lo cho gia đình nhỏ. Tuy nhiên, trong một lần “ăn kem trước cổng”, bố mẹ tôi đã mang trầu cau sang nhà em chỉ sau một năm chúng tôi gặp nhau.
Lúc này, tình hình tài chính của chúng tôi tạm ổn (ít nhất là lúc đó tôi nghĩ vậy), nhưng với sự xuất hiện của cu Min, chặng đường kỷ luật tài chính của tôi lại gặp thêm một thử thách. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mẹ tròn con vuông, mừng vì thành viên mà cả nhà đã chờ đợi suốt 9 tháng qua đã chào đời, còn lo vì tôi còn chưa sẵn sàng về kinh tế, chưa sẵn sàng cho tương lai của 2 vợ chồng, giờ lại thêm thằng cu…
Thật may mắn, trong buổi tiệc mà công ty tổ chức cho tôi (công ty tôi có truyền thống tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ cho nhân viên khi họ lên chức, bao gồm cả chức “làm bố, làm mẹ”), một người đồng nghiệp đã tặng tôi cuốn sách: Cha Giàu Cha Nghèo – Để không có tiền vẫn tạo ra tiền (Robert T. Kiyosaki, quyển 1). Khi đang loanh quanh với bài toán quản lý tài chính cá nhân và gia đình, cuốn sách này như một chiếc phao cứu sinh giúp tôi thoát chết đuối. Tôi “ngấu nghiến” cuốn sách chỉ trong vòng 2 ngày. Lúc này, tôi đã có được câu trả lời cho bài toán mà tôi vẫn trăn trở. Thay vì làm việc cho tiền thì hãy để tiền làm việc cho mình. Tôi phải đầu tư.
Với tình hình tài chính của tôi lúc đó, tôi không có nhiều lựa chọn cho hình thức đầu tư. Chứng khoán? Chắc là chưa, tôi không muốn đi vào vết xe đổ của mẹ. Tuy nhiên đây vẫn là 1 kênh hấp dẫn. Tôi dự định sẽ đầu tư vào chứng khoán trong tương lai, sau khi tôi có đủ kiến thức và sự tự tin. Thời điểm đó, ngoài 1 khoản “của hồi môn” sau khi cưới và số tiền còn lại sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt và con cái hàng tháng, tôi dồn hết vào trái phiếu.
Xem thêm: https://tichsancophieu.vn/tich-san-co-phieu-o-dau-dang-tin-cay/
Tích sản
Ngoài thời gian đi làm, chăm con, tôi thường xuyên online để đọc thêm về chứng khoán. Tôi có nghĩ đến lướt sóng không? Có chứ. Nhưng với khẩu vị rủi ro tương đối thấp lúc đó, tôi không nghĩ trường phái này phù hợp với tôi. Bên cạnh đó, những thất bại từ quá khứ, những dặn dò của mẹ tôi về thị trường chứng khoán, nụ cười của vợ, của con, tôi không cho phép mình thất bại một lần nữa. Bài toán được đặt ra lúc này là đầu tư chứng khoán như thế nào là hợp lý với số vốn ít và rủi ro thấp?
Tôi biết đến anh Phục và AzFin thông qua một người bạn ở trường đại học và sau này trở thành đồng nghiệp của tôi. Tuy là bạn thân nhưng tính cách chúng tôi trái ngược nhau hoàn toàn. Cậu bạn tôi thiên về suy nghĩ logic, khoa học còn tôi thì bay bổng, cảm tính và hay đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc. Cũng có thể đây chính là lý do mà mỗi khi có những dự định kinh doanh hay quyết định trong công việc, cuộc sống, chúng tôi hay tham khảo ý kiến của nhau. Vào một ngày đẹp trời, cậu ta pm tôi và nói “mày search kênh Youtube của AzFin, trên đó có nhiều kiến thức và phương pháp đầu tư chứng khoán phù hợp với mày đấy.” Tôi ngay lập tức gác lại công việc dở dang và bắt đầu “cày view” cho “người lái đò”. Khi xem đến chương trình “Tích sản cổ phiếu – tự do tài chính”, tôi biết mình đã tìm được chân ái.
Vợ tôi thì hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi và tin tưởng vào khả năng của tôi. Một phần vì mỗi lần xem Youtube anh Phục, tôi đều để loa ngoài cho vợ nghe cùng. Giọng anh tuy không truyền cảm lắm (j4f) nhưng nội dung thì rất dễ hiểu, gần gũi và thực tế. Không có hình thức hay trường phái đầu tư nào mà không có rủi ro, không phải cố gắng, muốn hái được quả ngọt thì phải tin tưởng, kiên định và kỷ luật. Ngược lại với sự ủng hộ của gia đình nhỏ, mẹ tôi định kiến với thị trường chứng khoán đến mức chỉ cần nghe đến 2 từ “chứng khoán” là bà không quan tâm đến nội dung sau đó là gì, bà kịch liệt phản đối. Tôi thì không trách bà, tôi hiểu và thông cảm với những gì bà đã trải qua, bên cạnh đó là vết nhơ của tôi trong quá khứ, có lẽ bà đang hình dung ra cảnh tôi “báo nhà” lần 2. Thậm chí, tôi còn phải cảm ơn mẹ tôi vì tôi cũng đã hình thành nên phản xạ định kiến với “trader” và dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu phương pháp tích sản, để chắc chắn đây là một phương pháp đầu tư tuyệt vời và hiệu quả. Tôi quyết định mình sẽ để kết quả chứng minh cho bà, thay vì dùng lời nói.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì đánh trận nào cũng thắng. “Địa” đã lợi và “nhân” tương đối hòa, thiên thời cũng đã đến với tôi. Ngay khi tôi chuẩn bị lập tài khoản, cú sập mạnh nhất của năm 2021 (tính đến thời điểm tháng 9) đã xảy ra với toàn bộ các mã trong VN30 “múa bên trăng”. Ngày 28/01/2021, tôi đã quyết định tham gia thị trường chứng khoán với tư cách là 1 người tích sản cổ phiếu. Tối ngày 28, anh Phục có livestream và khuyến nghị giải ngân 100% tiền, lời anh như tiếp thêm động lực cho tôi để tôi biết, tôi đã đi đúng hướng. Ngày 29/01/2021, tôi đặt bước chân đầu tiên lên con đường tự do tài chính với 100 HPG ở giá 38.5.
Đọc cùng AzFin: https://tichsancophieu.vn/ai-cung-co-the-chien-thang/
Tự do – Hạnh phúc
Đối với nhiều người, tích sản có thể coi là một phương pháp tiết kiệm an toàn, họ chỉ dùng 20-30% tiền nhàn rỗi để tích sản vì phương pháp này cần có tính kỷ luật cao trong một thời gian dài. Trong ngắn hạn, chẳng thể ăn bằng lần như những phương pháp khác. Tuy nhiên, tại sao đối với tôi, tích sản lại là chân ái? Vì tích sản không chỉ là phương pháp đầu tư mà còn là kim chỉ nam cho việc quản lý tài chính cá nhân. Trước đây tôi kiếm được bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu, bây giờ thì kiếm được bao nhiêu, tôi tích sản bấy nhiêu. Từ một người luôn phải vay chỗ này, đập chỗ khác, coi thẻ credit như vật bất ly thân, tôi học cho mình cách sống đơn giản hóa và quản lý tài chính một cách chặt chẽ (các bạn có thể tìm đọc cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật”, Sasaki Fumio). Nhàn hạ hơn, thoải mái hơn, không còn chạy theo những chiếc điện thoại đời mới nhất, những bộ hàng hiệu hot nhất, tôi tìm thấy niềm vui và sự thư giãn trong việc đọc sách và chơi thể thao, giải trí hơn nữa thì chơi điện tử, cười hềnh hệch trong khi anh bạn tôi đang vật lộn với biểu đồ nến và những room phân tích cổ phiếu luôn active từ sáng đến đêm.
Tất nhiên, tôi không đánh giá và không dè bỉu những trường phái khác, đơn giản tôi chỉ muốn chỉ ra sự khác biệt giữa 2 con người có chung một mục đích là tự do tài chính. Quan trọng hơn cả, tôi có thể tập trung hơn vào công việc chính của mình trong khi không phải ngồi ôm bảng trong giờ hành chính, không phải thấp thỏm lo sợ khi thị trường điều chỉnh, được thoải mái tận hưởng những giây phút bên cạnh vợ con, cùng nhau nhìn đứa con lớn lên từng ngày.
Nhiều lúc vợ tôi cau có “Nay đọc tin thấy bảo VNINDEX toang à? Sao anh cầm tiền của cả nhà mình mà cứ bình chân như vại thế, không nghiên cứu đi để cả nhà ra đường à?”. Tôi xin được trích lại câu nói của anh Lưu Gù (FB: Vu Quang Luu) trong xóm: “Khi thị trường điều chỉnh, xem lại xem mình sai ở đâu, nếu không sai thì kệ thôi”. Hemingway đã từng nói: “Chẳng có gì cao quý khi vượt lên trên những người khác, sự cao quý thật sự là vượt lên trên chính mình”. Sau tất cả những gì đã trải qua, tôi đã tự tin nói rằng, tôi đã và đang vượt lên chính mình, đem đến hạnh phúc cho người thân.
Tôi biết, chặng đường phía trước còn rất dài, nhiều chông gai và thử thách. Tôi còn rất nhiều việc phải làm, nâng cao kiến thức để đánh giá doanh nghiệp, tiếp tục rèn luyện “Tinh – Tỉnh – Tĩnh” và quan trọng hơn hết đó là nâng cao sức khỏe. “Đây chắc chắn không phải là kết thúc, cũng không phải sự khởi đầu của kết thúc, mà là một kết thúc cho sự khởi đầu” (Kingsman 2017).
Chân thành gửi lời cảm ơn đến anh Phục và đội ngũ AzFin đã phát triển xóm Tích sản rất bài bản và tận tâm. Chân thành cảm ơn các bạn đã cùng theo dõi và chia sẻ chặng đường tích sản tôi. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và vững bước trên con đường tích sản.
Theo Nguyễn Thanh Tùng ( Bài viết Hành trình tích sản – Cộng đồng tích sản AzFin)
XEM THÊM: ” https://tichsancophieu.vn/giai-dap-tich-san-co-phieu-2022/“